Vị trí: Thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 8km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Làng Vòng gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.
Về Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”.
Những ngày đầu mùa thu, đi dạo trong vùng trồng lúa ta thấy ngào ngạt mùa lúa chín xen với mùi cỏ, mùi đất của quê hương. Người làng Vòng đi ngắt lúa về và nội trong 24 tiếng đồng hồ phải bắt tay vào việc chế biến hạt thóc ra thành cốm. Làm cốm hoàn toàn không đơn giản. Phương pháp bí truyền luôn luôn được giữ kín: bố mẹ chỉ truyền cho con trai, nhất quyết không truyền cho con gái vì khi đi lấy chồng người con gái sẽ đem phương pháp làm cốm đi nơi khác.
Nói về cách thức làm cốm, tất nhiên là rất nhiều vùng quê biết làm nhưng phải thừa nhận rằng không có đâu làm được hạt cốm dẻo và thơm ngon bằng ở làng Vòng. Người làng Vòng làm cốm rất công phu. Giống lúa để gieo mạ, thành thứ lúa chuyên làm cốm có nhiều loại: giống nếp mỡ, nếp Nhật, nếp hoa vàng, nếp trẩm đầu,… Lúa thì con gái rồi đến phơi màu. Sau đó đợi đến kỳ lúa chắc hạt (nhưng phải là chắc xanh, chứ không phải là đỏ vàng) thì cắt về. Lúa cắt về tuyệt đối không được vò hay đập, mà phải tuốt để cho những hạt thóc vàng bay ra. Mọi người cho rằng: bí quyết của cốm Vòng là lúc đem ra đảo trong nồi rang. Tất cả sự khéo tay cộng với những kinh nghiệm truyền thống đã giúp cho người làng Vòng đảo cốm rất dẻo, lửa luôn luôn đều, nhất là củi đun phải là thứ củi đặc biệt chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm. Công việc xay giã cũng cần phải gượng nhẹ, chu đáo; chày giã cũng không được nặng quá, mà giã thì phải đều tay, không được chậm vì cốm sẽ nguội đi.
Sau khi giã xong, người ta đem sàng trấu cùng những hạt cốm nhẹ nhất (đó là cốm đầu nia). Còn các thứ cốm khác là cốm thường nhưng cả ba thứ đó không phải sàng xong là ăn được ngay, cần phải trải qua một khâu nữa là hồ.
Người ta lấy mạ giã ra, hoà với nước, làm thành một thứ phẩm xanh màu lá cây rồi hồ vào cốm cho thật đều tay. Sau khi hồ xong, cốm được tãi ra thật mỏng trên những mảnh lá chuối hoặc lá sen rồi xếp vào thúng để gánh đi bán. Màu xanh tự nhiên của cốm cộng với màu xanh nhân tạo làm thành một màu xanh biếc cho cốm làng Vòng. Cốm làng Vòng rất mỏng, sờ mát tay và rất dịu dàng bởi vị hương của lúa.
Nghề làm cốm vất vả, một khuya, hai sớm. Các cô gái làng Vòng mỗi sớm lại tấp nập quang gánh, sắm sửa mẻ cốm rao bán. Cốm làng Vòng được nâng niu bán từ chính đôi bàn tay các cô thôn nữ của làng càng mặn mà, thơm đượm hương vị cốm.
Muốn thưởng thức được hết hương vị của cốm ta phải ăn cốm không. Và cốm không từ lâu đã trở thành một món ăn bình dân không thể thiếu. Ngoài việc ăn cốm, người ta còn chế biến cốm ra nhiều món khác. Đầu tiên là cốm nén. Vì cốm là một món ăn không thể để lâu nên người ta nghĩ ra cách nén cốm, để cốm không bị mốc mà vẫn ngon và dẻo.
Sau này, người làm nghề giò chả gia truyền đã nghĩ và chế ra một loại chả cốm (chả lợn trong đó có cốm) ăn bùi, béo ngậy và thơm. Người ta nói rằng, chả cốm phải ăn lúc nóng mới tận hưởng hết mùi vị của nó.
Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam